Dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong việc sản xuất khí sinh học từ rơm rạ

Các mục tiêu của dự án

Mục tiêu của dự án BioRist là nhằm phát triển một quy trình xử lý có tính sáng tạo và khả khi về mặt kỹ thuật trong việc phân hủy vi sinh của rơm rạ. Kỹ thuật này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lên men và chuyển hóa cellulose thành khí sinh học. Nhà máy thí điểm ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, Việt nam sẽ chứng tỏ được khả năng sản xuất năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, giảm lượng phát thải metan – khí nhà kính tạo ra từ các ruộng lúa do quá trình đốt hoặc phân hủy yếm khí và sản xuất phân bón thành phẩm. Các thành phần kĩ thuật và các sản phẩm từ nhà máy sẽ được tích hợp vào chuỗi giá trị bổ sung của địa phương dưới sự xem xét về các nhân tố địa phương và các điều kiện tiên đề liên quan.

Thực hiện dự án

Trong khuôn khổ của dự án, quy trình kỹ thuật sẽ được mở rộng quy mô và thích ứng với các điều kiện của địa phương. Nhà máy thí điểm sẽ đưa vào vận hành trong hơn hai năm nhằm tối ưu hóa thời gian chờ của bể phản ứng và bổ sung các loại đồng cơ chất khác nhau. Nhà máy thí điểm sẽ được đặt tại một làng đại diện ở tỉnh Tiền Giang. Các đối tác địa phương tham gia vào dự án nhằm phát triển, xây dựng, vận hành và giới thiệu thị trường cho nhà máy cùng với công ty TNHH Công Nghệ Môi Trường Herbst (Berlin).

Cùng với việc tối ưu hóa về mặt kỹ thuật của nhà máy, quy trình xử lý sẽ được nghiên cứu với sự xem xét về quản lý dòng vật chất ở địa phương. Ngoài ra, quy trình xử lý sẽ được áp dụng trong hệ thống sẵn có nhằm hỗ trợ phát triển bền vững và bảo vệ khí hậu.

Cốt lõi của dự án là chứng minh được bằng thực nghiệm về việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong chuỗi giá trị bổ sung. Điều này bao gồm các phân tích về phát thải từ các ruộng lúa lúc có và không áp dụng các phần bã thải từ bể phản ứng yếm khí, cũng như đánh giá về hiệu quả bón phân.

Trong quá trình vận hành nhà máy thí điểm, quy trình sản xuất khí sinh học và phân bón từ rơm rạ sẽ được tối ưu hóa và sẽ chứng minh được sự phù hợp về mặt thực tiễn đối với các thị trường địa phương.

Do đó trong tương lai, hệ thống này có thể hoạt động với lượng lớn rơm rạ, cung cấp nguồn điện carbon trung tính, tạo ra nhiệt và giảm thiểu đáng kể lượng khí nhà kính phát thải từ các ruộng lúa. Phát triển những dự án bảo vệ môi trường theo NAMA và CDM sẽ hỗ trợ về mặt tài chính cho các nhà máy khí sinh học dự kiến sau khi hoàn thành dự án. Tính khả thi của các công cụ tài chính sẽ được đánh giá trong thời gian thực hiện dự án.

Những nghiên cứu khoa học về vấn đề phát thải khí từ các ruộng lúa sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các quá trình và từ đó có thể giảm thiểu lượng khí phát thải bằng cách phát triển phương thức quản lý dòng vật chất xác định. Hơn nữa, các quy trình về giám sát và đánh giá nâng cao cần được phát triển và sử dụng trong nghiên cứu và dịch vụ.

Các kết quả nghiên cứu về dòng vật chất, tiềm năng khí sinh học cùng với khái niệm về vận chuyển logistic sẽ là những nền tảng cơ bản cho viêc phát triển những dự án tương lai ở các khu vực khác.






Feb 2016 – Jan 2019